I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Thoái hóa khớp gối là bệnh lý thường gặp trong nhóm bệnh lý mạn tính của khớp. Tổn thương cơ bản của bệnh là trạng thái thoái hóa của sun khớp, gây mòn và rách sụn khớp, phối hợp với những thay đổi của phần xương dưới sụn và màng hoạt dịch.
Thoái hóa khớp với biểu hiện lâm sàng gồm đau, giảm chức năng vận động và biến dạng khớp, các triệu chứng xảy ra từng đợt. Trong y học cổ truyền, thoái hóa khớp nằm trong phạm vi chứng tý. Nguyên nhân gây bệnh là do vệ khí cơ thể không đầy đủ, tà khí như phong hàn thấp thừa cơ xâm nhập vào cân cơ, xương khớp, kinh lạc làm vận hành khí huyết trong cơ thể bị tắc lại. Bệnh gây ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống, lao động và sinh hoạt, nhất là với những người lao động chân tay. Vì thế, y học hiện đại cũng như y học cổ truyền đã có nhiều tác giả nghiên cứu phương pháp điều trị thoái hóa khớp bằng thuốc và không bằng thuốc.
Để góp phần khẳng định thêm tác dụng của phương pháp dùng thuốc trong điều trị các triệu chứng của bệnh nhân thoái hóa khớp, chúng tôi tiến hành đề tài “Đánh giá tác dụng lâm sàng của bài thuốc Tam tý thang trên bệnh nhân thoái hóa khớp gối” với hai mục tiêu
1. Đánh giá tác dụng lâm sàng của bài thuốc Tam tý thang trên bệnh thoái hóa khớp gối.
2. Theo dõi một số tác dụng không mong muốn của bài thuốc Tam tý thang.
II/ CHẤT LIỆU, ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.1. Chất liệu nghiên cứu:
Bài thuốc Tam tý thang (xuất xứ trong quyển 3, phụ nhân đại toàn lương phương do danh y Trần Tự Minh, Trung Quốc, viết vào thế kỷ XX), thành phần bao gồm:
Độc hoạt: 48g Đương quy: 72g
Tần giao: 72g Đỗ trọng: 48g
Phòng phong: 48g Cam thảo: 36g
Đẳng sâm: 48g Xuyên khung: 48g
Phục linh: 48g Bạch thược: 72g
Tục đoạn: 72g Tế tân: 24g
Quế chi: 36g Ngưu tất: 48g
Sinh địa: 48g Hoàng kỳ: 72g
Chia 3 thang, sắc uống ấm 02 ngày 01 thang.
2.2. Đối tượng nghiên cứu
30 bệnh nhân được chẩn đoán là thoái hóa khớp gối từ tháng 1 đến tháng 12 năm 2009 tại khoa Nội chung, bệnh viện y học dân tộc Thanh Hóa.
2.2.1. Tiêu chuẩn chọn bệnh nhân theo y học hiện đại
* Lâm sàng:
- Bệnh nhân đau “cơ giới” khớp:
- Giảm khả năng vận động khớp(gấp, duỗi): gấp gối < 135º.
- Có dấu hiệu “phá gỉ khớp”
- Có thể có các dấu hiệu khác: dấu hiệu bập bềnh xương bánh chè, tiếng lục khục khi cử động khớp, teo cơ…
* Cận lâm sàng: X quang khớp gối thường quy có ít nhất một trong các hình ảnh:
- Hẹp khe khớp
- Đặc xương dưới sụn
- Mọc gai xương và hình ảnh dị vật trong ổ khớp.
2.2.2. Tiêu chuẩn chọn bệnh nhân theo y học cổ truyền
- Vọng chẩn: thần tỉnh, sắc xanh, kém tươi nhuận, lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng mỏng
- Văn chẩn: tiếng nói, hơi thở bình thường…
- Vấn chẩn: đau âm ỉ vùng gối, đau tăng khi vận động, đi lại khó khan; sợ gió lạnh, thay đổi thời tiết bệnh tăng; có thể hoa mắt, chóng mặt, ù tai…
- Khớp gối không nóng; mạch phù hoãn
2.2.3. Tiêu chuẩn loại trừ bệnh nhân
- Bệnh nhân đau khớp do lao, viêm khớp dạng thấp, nhiễm khuẩn, ung thư, các chấn thương…
- Dùng thuốc giảm đau trong khi đang điều trị.
- Bệnh nhân không hợp tác điều trị, bỏ thuốc trên hai ngày, bệnh nhân không làm đủ các xét nghiệm cần thiết.
- Bệnh nhân thuộc thể phong thấp nhiệt theo y học cổ truyền.
2.3. Phương pháp nghiên cứu
Phương pháp thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên, so sánh trước và sau điều trị.
2.3.1. Cỡ mẫu nghiên cứu: chủ đích, n = 30.
2.3.2. Phương pháp can thiệp:
Bệnh nhân được uống sau ăn 30 phút 170ml thuốc sắc từ bài thuốc Tam tý thang trong 30 ngày tại khoa Nội chung.
2.3.3. Các chỉ tiêu theo dõi
* Mức độ đau: đánh giá theo thang điểm VAS, chia làm 3 mức độ:
Đau mức độ nhẹ: tương đương dưới 4 điểm VAS
Đau mức độ vừa: từ 4 đến 7 điểm VAS
Đau mức độ nặng: từ 7 đến 10 điểm VAS
* Tầm vận động khớp gối: được đánh giá bằng tầm vận động gấp gối. Tầm vận động gấp gối bình thường là 135-140 º. Khớp gối vận động hạn chế khi gấp dưới 135 º.
* Tác dụng không mong muốn của bài thuốc như: đại tiện lỏng, buồn nôn, sôi bụng…
2.3.4. Phương pháp đánh giá kết quả điều trị
* Theo mức độ đau:
Loại tốt: mức độ đau giảm trên 70% so với trước điều trị
Loại khá: mức độ đau giảm từ 40 đến 70% so với trước điều trị
Loại trung bình: mức độ đau giảm từ trên 0 đến 40% so với trước điều trị.
Loại kém: mức độ đau không thay đổi hoặc tăng lên.
*Theo tầm vận động gấp gối:
Đánh giá
|
Độ gấp gối tăng
|
Tốt
|
≥ 20º
|
Khá
|
[10 - 20º)
|
Trung bình
|
[5 - 10º)
|
Kém
|
< 5º
|
2.4 Phương pháp thu thập thông tin và xử lý số liệu
* Thu thập thông tin: phỏng vấn trực tiếp đối tượng nghiên cứu bằng bộ câu hỏi in săn, kèm theo bệnh án.
* Xử lý số liệu: bằng phầm mềm Epi info 6.0 dựa vào tỷ lệ % và giá trị trung bình.
III/ KẾT QUẢ VÀ BÀN LUẬN
3.1. Đặc điểm về tuổi, giới
Bảng 3.1. Phân bố về tuổi
Nhóm tuổi
|
Số lượng
|
Tỷ lệ (%)
|
< 40
|
2
|
6,7
|
40 – 50
|
7
|
23,3
|
> 50
|
21
|
70
|
Tổng
|
30
|
100
|
Nhận xét: Đa số bệnh nhân trên 50 tuổi (chiếm 93,3% ), điều này hoàn toàn phù hợp với cơ chế bệnh sinh và nghiên cứu của nhiều tác giả. Theo y học cổ truyền thì đây là nhóm tuổi mà thiên quý bắt đầu suy, chính khí suy giảm, bên trong khí huyết hư tổn kết hợp bên ngoài tấu lý sơ hở, ngoại tà dễ xâm nhập vào gây bệnh.
Bảng 3.2. Phân bố về giới
Giới
|
Số lượng
|
Tỷ lệ (%)
|
Nam
|
13
|
43,3
|
Nữ
|
17
|
56,7
|
Tổng
|
30
|
100
|
Nhận xét: Tỷ lệ nữ mắc bệnh cao hơn nam.
3.2. Kết quả điều trị
Kết quả diều trị theo mức độ đau
Bảng 3.3. Hiệu quả điều trị theo điểm đau trung bình
Chỉ số
|
Trước điều trị
|
Sau điều trị
|
P
|
Điểm đau trung bình
|
8,35 ± 1,64
|
3,6 ± 1,6
|
< 0,01
|
Nhận xét: Điểm đau trung bình sau điều trị giảm đáng kể (4,78 điểm) so với trước điều trị, sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê với p < 0,01. Điều này cho thấy bài thuốc Tam tý thang có tác dụng giảm đau rõ trên bệnh nhân thoái hóa khớp gối.Bài thuốc có các vị Phòng phong, Quế chi, Độc hoạt, Tần giao..có tác dụng khu phong trừ thấp và làm khí huyết, kinh lạc được lưu thông nên có hiệu quả chỉ thống.
Bảng 3.4. Hiệu quả điều trị theo tỷ lệ % giảm đau
Hiệu quả
|
Số lượng
|
Tỷ lệ (%)
|
Tốt
|
8
|
26,7
|
Khá
|
17
|
56,7
|
Trung bình
|
5
|
16,6
|
Kém
|
0
|
0
|
Tổng
|
30
|
100
|
Nhận xét: Loại khá chiếm tỷ lệ cao nhất: 56,7%, loại tốt và khá chiếm 83,4%, không có bệnh nhân nào có kết quả điều trị kém.
Hiệu quả điều trị theo độ gấp gối
Bảng 3.5. Hiệu quả điều trị theo độ gấp gối trung bình
Chỉ số
|
Trước điều trị
|
Sau điều trị
|
Độ gấp gối trung bình
|
90,9 ± 10,6
|
118,2 ± 12,7
|
Nhận xét: Độ gấp gối của bệnh nhân tăng lên 28º. Độ gấp trung bình trước và sau điều trị khác biệt có ý nghĩa thống kê với p < 0,01. Bài thuốc Tam tý thang không chỉ có tác dụng khu phong trừ thấp để điều trị nguyên nhân, mà còn có tác dụng bổ can thận, bổ khí huyết để bồi bổ chính khí,lập lại cân bằng âm dương trong cơ thể.
Bảng 3.6. Hiệu quả điều trị theo mức độ tăng tầm vận động gấp gối
Hiệu quả
|
Số lượng
|
Tỷ lệ (%)
|
Tốt
|
6
|
20
|
Khá
|
17
|
56,7
|
Trung bình
|
7
|
23,3
|
Kém
|
0
|
0
|
Tổng
|
30
|
100
|
Hiệu quả tốt và khá chiếm 76,7%, không có kết quả điều trị kém.
3.3. Tác dụng không mong muốn của bài thuốc
Triệu chứng
|
Số lượng
|
Tỷ lệ (%)
|
Đại tiện lỏng
|
0
|
0
|
Bụng đầy chướng
|
1
|
3,3
|
Sôi bụng
|
1
|
3,3
|
Buồn nôn
|
0
|
0
|
Nhận xét: Trong quá trình điều trị, chỉ gặp 1 trường hợp bụng đầy chướng (3,3%) và 1 trường hợp thấy sôi bụng (3,3%). Điều này cho thấy Tam tý thang là bài thuốc an toàn trên lâm sàng, ít có tác dụng không mong muốn.
IV/ KẾT LUẬN
Bước đầu nghiên cứu 30 bệnh nhân thoái hóa khớp gối bằng bài thuốc Tam tý thang, chúng tôi nhận thấy:
1. Bài thuốc Tam tý thang có tác dụng giảm đau rõ: điểm đau trung bình giảm từ 8,35 ± 1,64 xuống còn 3,6 ± 1,6; hiệu quả giảm đau tốt và khá chiếm 83,4%. Tầm vận động gấp gối tăng từ 90,9 ± 10,6 lên 118,2 ± 12,7.
2. Trong quá trình điều trị chỉ gặp 1 trường hợp bụng đầy chướng (3,3%) và 1 trường hợp sôi bụng (chiếm 3,3%).
V/ KIẾN NGHỊ
Tam tý thang là bài thuốc an toàn, có hiệu quả điều trị cao, vì vậy, nên sử dụng rộng rãi bài thuốc trong điều trị thoái hóa khớp gối. Tiến hành nghiên cứu bài thuốc dưới dạng hoàn tán, viên bao phim.
|